399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

  • Khám phá
  • Khai thác đá hoa trắng ở Lục Yên: Bất cập từ khâu quản lý - Kỳ II

Khai thác đá hoa trắng ở Lục Yên: Bất cập từ khâu quản lý - Kỳ II

Chỗ 5%, chỗ 70% là tỷ lệ phải thu hồi tài nguyên của hai doanh nghiệp khai thác đá hoa trắng tại Lục Yên.

Kỳ II: Cần cơ chế giám sát hiệu quả

Tại Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam (gọi tắt là Công ty R.K), doanh nghiệp 100% vốn vốn đầu tư của Tập đoàn R.K Marble Ấn Độ là công ty có quy mô khai thác đá hoa trắng lớn nhất Việt Nam hiện nay với 3 loại sản phẩm chính: đá khối; đá xẻ tấm lớn và đá cắt theo quy cách (tận dụng từ viên đá không có khối to), 99,9% sản lượng khai thác được xuất khẩu đến 60 nước trên thế giới. Bà Đỗ Thị Hồng - Phó Tổng giám đốc Công ty R.K - cho biết, theo giấy phép đầu tư của công ty thì trữ lượng đá khối được phép khai thác là 5 triệu m3, đá bột từ 12-15triệu m3, tỷ lệ thu hồi đạt từ 30-35%, tuy nhiên, công ty chỉ có thể thu hồi 3-5%.

Tại moong khai thác số 6 của Công ty R.K, những khối đá hoa trắng ước chừng từ 5m3 trở lên đang được khai thác và nằm la liệt tại khai trường. Ông Nguyễn Đồng Hưng- Chánh văn phòng Tổng hội Địa chất Việt Nam - cho rằng: Tại các mỏ của Công ty R.K, với chất lượng và trữ lượng như hiện nay, nếu khai thác với kích thước từ 5-10m3/khối đá thì độ thu hồi mới đạt từ 3-5%. Trong khi công ty phải tận thu những phiến đá có kích thước 0,4 m3 trở lên. Nếu tận thu sản xuất bột nghiền từ đá viên chắc chắn độ thu hồi đạt 30-35% theo hồ sơ cấp phép.

Cách đó chưa đầy 100m là mỏ đá Đào Lâm thuộc Công ty Cổ phần khoáng sản Yên Bái (gọi tắt là VPG). Đây là công ty 100% vốn trong nước, tiềm lực tài chính còn hạn chế, quy mô khai thác cũng như trữ lượng được cấp phép nhỏ hơn rất nhiều so với Công ty R.K. Trữ lượng được phép khai thác của VPG là 411.459m3 với sản phẩm là đá xẻ và đá bột.

Ông Hoàng Văn Nghĩa - Phó Tổng giám đốc VPG - cho hay: “Hiện tại công ty không cho phép xuất khẩu đá khối trực tiếp (trừ một số trường hợp cụ thể) nên đá khối của công ty được xẻ ra để tiêu thụ. Còn đá viên nhỏ nghiền thành bột để bán cho thị trường trong nước.Tính ra chi phí sản xuất cao hơn so với công ty được xuất khẩu đá khối, bởi thêm chi phí đầu tư thiết bị, máy móc để xẻ từ đá khối ra đá xẻ (đá tấm, đá phiến), giá thành của đá xẻ cũng thấp hơn rất nhiều so với đá khối… Tuy nhiên, chỉ tiêu thu hồi của chúng tôi đạt đến 70%”.

Theo tiến sĩ Đào Trọng Hưng- Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam - thì doanh nghiệp chỉ khai thác đá khối vì lợi nhuận cao. Trong khi đá khối có giá từ 12-16 triệu đồng/m3 thì đá bột vào thời điểm cao nhất cũng chỉ đạt từ 800.000-900.000 đồng/tấn, hiện đá bột của VPG chỉ đạt 250.000-300.000 đồng/tấn. Ngoài ra, chi phí để tận thu đá viên nhỏ sản xuất thành đá bột cũng cao hơn, do doanh nghiệp phải đầu tư thiết bị, máy móc, nhà xưởng, lao động, chi phí vận chuyển cao.

Câu hỏi đặt ra là, nếu chỉ số thu hồi của Công ty R.K chỉ đạt 3-5% vậy 95-97% phế phẩm, đá, đất thải sẽ đi đâu, môi trường xử lý như thế nào? Báo cáo đánh giá trữ lượng và hồ sơ xin cấp phép khai thác đều do công ty thực hiện và đề xuất khi lập dự án đầu tư. Không lẽ đó là một sai sót trong công tác thăm dò, đánh giá trữ lượng?