399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

  • Chia sẻ
  • Xét xử vụ vận chuyển ngà voi qua Sân bay Đà Nẵng

Xét xử vụ vận chuyển ngà voi qua Sân bay Đà Nẵng

Ngày 21/2, TAND Q. Hải Châu (Đà Nẵng) xét xử bị cáo Nguyễn Thế Dân (1972, trú P. Bình Hưng Hòa B, Q. Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) về tội "Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới" và tuyên phạt bị cáo 9 tháng tù.

2 chiếc va-ly đáng ngờ

Cách đây hơn 1 năm, vào ngày 3/12/2012, tại sân bay Đà Nẵng, khi kiểm tra hành lý của hành khách, hải quan sân bay  phát hiện  2 va-ly màu đen khi qua máy soi chiếu đã phát ra những tia sáng lạ. Không khó để xác định chủ nhân của hai chiếc va-ly ký hiệu XH 346361 và SQ 625284 vì ngay bên ngoài các va-ly có dán mảnh giấy ghi dòng chữ "NGUYỄN THẾ DÂN-VIỆT NAM". Nghi là hàng phạm pháp, cơ quan hải quan đã tiến hành tạm giữ Nguyễn Thế Dân cùng  2 chiếc va-ly trên để làm rõ.

Qua kiểm tra, bên trong 2 chiếc va-ly có tổng cộng 12 đoạn màu trắng đục, tổng trọng lượng 64,7kg. Theo Kết luận giám định số 502/C54 ngày 27/12/2012 và số 289/C54 ngày 4/9/2013 của Phân viện Khoa học kỹ thuật hình sự tại Đà Nẵng xác định 12 đoạn màu trắng đục trong 2 va-ly của Nguyễn Thế Dân là ngà voi. Theo định giá thì số ngà voi này có giá trị khoảng 1 tỷ đồng.

Dân khai số ngà voi này do mình mang từ Angola về Việt Nam cho một người tên là Đức (không rõ nhân thân, lai lịch, hiện đang làm chủ thầu xây dựng ở Angola). Ông Đức thuê Dân vận chuyển với giá 1.000USD và dặn khi đến sân bay Đà Nẵng sẽ có người ra đón và nhận hàng. Tuy nhiên, trước khi điều này diễn ra, Dân và số ngà voi trên đã bị cơ quan chức năng bắt giữ nên những người đi "đón hàng" thấy động cũng không dám xuất hiện.

Xét xử vụ vận chuyển ngà voi qua Sân bay Đà Nẵng - 1

Bị cáo Nguyễn Thế Dân

Sang Angola... trốn truy nã

Nguyễn Thế Dân là con thứ 3 trong gia đình có 6 người con ở xã Hạnh Phúc, H. Thọ Xuân, Thanh Hóa. Trước đây, Dân cùng vợ và 2 con làm nông ở quê nhà nhưng sau đó vì muốn thoát khỏi cuộc sống chân lấm tay bùn, vợ chồng con cái đã đưa nhau vào TP Hồ Chí Minh,  vợ Dân xin làm công nhân khu công nghiệp, còn Dân làm lao động phổ thông, cuộc sống cũng tạm ổn. Dịp Tết năm 2012, Dân về thăm quê ở Thanh Hóa, bạn bè lâu ngày mới gặp nên  rủ nhau thử vận "đỏ, đen".

Đang lúc say sưa sát phạt, ổ cờ bạc có Dân tham gia bị CA đột kích, các con bạc khác bị bắt giữ riêng Dân nhanh chân trốn thoát. Đang lúc công việc bấp bênh, lại vướng vào vòng phạm pháp nên khi nghe có người mách miệng  đi lao động chui ở Angola có thu nhập cao, Dân quyết định theo con đường này, vừa để kiếm tiền, vừa tìm cách ẩn thân. Tưởng rằng với thời gian, mọi chuyện sẽ nguôi ngoai, với lại theo suy nghĩ của Dân thì tội của anh ta chắc cũng không nghiêm trọng lắm, cứ để lâu lâu rồi mọi người sẽ quên, mấy năm sau quay  trở về thì cũng... hòa cả làng.

Đâu ngờ, do tính chất vụ án nghiêm trọng, các con bạc khác đã bị xét xử và Dân bị CA phát lệnh truy nã. Người thân lo lắng việc Dân càng trốn thì tội càng nặng thêm nên liên tục điện thoại giục Dân phải quay về Việt Nam. Sau nhiều đêm đắn đo suy nghĩ, Dân quyết định về nước để chịu tội mong nhận được khoan hồng. Biết kế hoạch về Việt Nam của Dân, ông Đức (chủ thầu nơi Dân làm việc ở Angola) đã nhờ Dân xách hộ 2 chiếc va-ly này về Đà Nẵng và trả công 1.000 USD. Theo Dân khai: Ông Đức còn dặn, nếu bị phát hiện thì đừng nhận 2 va-ly trên.

Sau khi bị bắt tại Đà Nẵng, Dân đã bị di lý về Thanh Hóa và bị TAND H. Thọ Xuân xử phạt 12 tháng cải tạo không giam giữ về tội đánh bạc. Tại phiên tòa ngày 21/2/2014, TAND Q. Hải Châu đã quy đổi thời gian bị cáo chưa chấp hành hình phạt của bản án cũ và tổng hợp với bản án vừa tuyên, tổng cộng Dân phải chấp hành hình phạt chung là 10 tháng 28 ngày tù.