399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

  • Khám phá
  • Quảng Ninh: Hỗ trợ sản xuất sản phẩm mới

Quảng Ninh: Hỗ trợ sản xuất sản phẩm mới

Từ 3 đề án khuyến công quốc gia được Bộ Công Thương phê duyệt với tổng kinh phí 530 triệu đồng, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Quảng Ninh đã tập trung hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) xây dựng các mô hình sản xuất nhiều sản phẩm mới có giá trị kinh tế cao.

 Năm 2014, Quảng Ninh được phê duyệt 16 đề án khuyến công với tổng kinh phí hỗ trợ 1.530 triệu đồng, trong đó có 3 đề án khuyến công quốc gia với tổng kinh phí 530 triệu đồng và 13 đề án khuyến công địa phương với tổng kinh phí 1 tỷ đồng.

Theo đó, các đề án khuyến công quốc gia sẽ tập trung hỗ trợ các cơ sở CNNT xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật ứng dụng khoa học kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới. Đó là các cơ sở sản xuất sản phẩm (dược liệu, than sạch, gốm sứ, chè Đường Hoa...) thuộc chương trình “Quảng Ninh - mỗi xã, phường một sản phẩm”.

Để phát huy hiệu quả các hoạt động khuyến công, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Quảng Ninh tập trung vào các giải pháp cụ thể như: Tư vấn cho các cơ sở CNNT lựa chọn hướng đầu tư phù hợp; phối hợp với cơ quan chức năng các huyện, thành phố khảo sát thực hiện các đề án ứng dụng máy móc thiết bị, mô hình trình diễn… mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất; đẩy mạnh phát triển các ngành nghề CNNT trên cơ sở đào tạo nghề, đặc biệt ưu tiên cho đào tạo nghề phục vụ công nghiệp hỗ trợ của tỉnh; tăng cường dịch vụ tư vấn, có biện pháp hỗ trợ, khuyến khích giúp đỡ kịp thời các cơ sở CNNT trong quá trình triển khai đầu tư sản xuất; lựa chọn và tổ chức thực hiện chương trình, đề án khuyến công sát với thực tế và hiệu quả.

Cụ thể, trung tâm đã phối hợp với Công ty TNHH nuôi trồng sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất và chế biến dược liệu. Mục tiêu giúp công ty sản xuất các sản phẩm viên nang Diệp hạ châu, viên Giảo cổ lam, viên Cà gai leo..., với 4,5 triệu sản phẩm/năm, doanh thu khoảng 5,4 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 20 lao động địa phương. Việc sử dụng nguồn dược liệu tại chỗ sẽ hỗ trợ bà con nông dân phát triển kinh tế từ việc trồng cây dược liệu phục vụ chế biến.

Trung tâm cũng phối hợp với Chi nhánh Công ty Quang Vinh xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gốm sứ mỹ nghệ và gốm sứ dân dụng siêu mỏng, công suất 3 triệu sản phẩm/năm nhằm giúp công ty sản xuất thành công các sản phẩm gốm sứ gia dụng chất lượng cao, giải quyết việc làm cho khoảng 100 lao động địa phương. Đây là một mô hình rất khả thi, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường mà còn góp phần vào công nghiệp hóa hiện đại hóa hàng thủ công mỹ nghệ ngành gốm sứ.

Bên cạnh đó, trung tâm còn phối hợp với Công ty TNHH MTV PT Computer xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất than sạch từ phụ phẩm nông, lâm nghiệp, công suất 1.200 tấn sản phẩm/năm. Việc chế biến ra sản phẩm than sạch sẽ góp phần sử dụng hiệu quả những phụ phẩm nông - lâm nghiệp của địa phương, tạo ra nguồn năng lượng tái sinh với giá cả phù hợp, đặc biệt là bảo vệ môi trường.