399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

Lễ hội Xang Khan

Từ rất xa xưa, tất cả các bản làng người Thái đều tổ chức lễ hội Xăng Khan, có thể nói đây là ngày hội có quy mô và ý nghĩa cộng đồng lớn nhất của đồng bào.

Mạng trải nghiệm du lịch người Việt./

Từ rất xa xưa, tất cả các bản làng người Thái đều tổ chức lễ hội Xăng Khan, có thể nói đây là ngày hội có quy mô và ý nghĩa cộng đồng lớn nhất của đồng bào. Mỗi địa phương có thể gọi tên hội khác nhau, đồng bào Thái ở Nghệ An và Thanh Hóa gọi lễ hội này là Xăng Khan, một số nơi khác gọi là Kin chiêng boóc mạy, Hội Chá Chiêng... Nhưng dù gọi thế nào đi chăng nữa, mục đích và ý nghĩa của nó vẫn là ngày tạ ơn các ông mo đối với tổ tiên và những người thầy đã dạy cách bốc thuốc chữa bệnh cứu vớt chúng sinh.

Không phải ai cũng được tổ chức lễ hội Xăng Khan, mà chỉ những ông mo đã thành tài có uy tín cứu sống nhiều người qua cơn bệnh hiểm nguy, làm được nhiều việc tốt cho bản giúp được nhiều việc hay cho mường mới được tổ chức lễ hội. Cứ 3 hoặc 5 năm một lần vào khoảng tháng 11 Âm lịch, khi bắp ngô trên nương đã gùi hết về nhà, lúa ngoài đồng đã gánh hết về bản, hoặc tháng 2, tháng 3 Âm lịch của năm sau là tháng tốt, tháng lành, ở nhiều bản Thái mở hội Xăng Khan để chào mừng xuân mới và mong sức khỏe. Thời gian mở hội từ 2 đến 3 ngày. Ba ngày trước ngày lễ hội, tại nhà ông mo chủ, gái trai tấp nập, tiếng giã gạo tiếng khua luống ngân vang khắp núi rừng báo hiệu cho thần rừng, thần núi, thần sông, thần suối biết làng mình mở hội. Sáng rực lung linh giữa gian nhà rộng là một cây hoa lớn (co boóc mạy) cao khoảng 4m nhiều mầu sắc xanh, đỏ, tím, vàng.

Những bông hoa được gọt đẽo rất cầu kỳ công phu, từ những cây bấc thân mềm, cành hoa rút từ lõi xốp cây sắn hoặc ruột cây tang trong rừng, xâu qua que tăm nhỏ tạo thành những cánh hoa rực rỡ, xen kẽ những cánh hoa là hình hài các côn trùng, động vật như: ve sầu, chim, cá, ếch, nhái, thuồng luồng, các vật dụng như: cày, bừa, cuốc, muổng, thuyền, bè... những con giống này đều được tết bằng lạt giang cây hoa (co boóc mạy) là trung tâm của buổi lễ, thể hiện cảm quan thẩm mỹ của từng địa phương, phản ánh vũ trụ quan tộc người.

Xăng khan là ngày vui của họ hàng của bản mường, là dịp của gái trai gặp gỡ, là ngày để dân bản trả ơn thầy mo đã chữa khỏi bệnh cho mình. Không phải chỉ những người trong bản mà cả du khách thập phương, già có, trẻ có kéo về dự hội. Sau lễ cúng, dân làng múa hát xung quanh cây hoa, càng về khuya không khí hội càng nhộn nhịp với những trò diễn độc đáo hài ước đầy ắp tiếng cười, nhộn nhịp hơn là múa tập thể. Tất cả những người đến dự hội từ già đến trẻ đều vào cuộc múa, múa hết mình hoà lẫn trong âm vang nhộn nhịp của tiếng chiêng, trống, tiếng khua luống, tiếp dập của ống nửa (tẳng bù), tượng trưng cho sấm, mưa cho sự phồn thực với mong ước của một mùa màng tươi tốt.

Hái hoa (Kếp boóc) là phần cuối của lễ hội Xăng Khan, chủ nhà là người trực tiếp hái hoa đem tặng cho mọi người, mỗi bông hoa là một phần thưởng tượng trưng cho bổng lộc và sự may mắn trong cuộc sống. Bằng lời hát chia tay thắm thiết hẹn kỳ hội sau gặp lại, và lúc này trời cũng vừa sáng, mọi người trở về tiếp tục với công việc hàng ngày của mình.

Lễ hội Xăng Khan là một lễ hội tín ngưỡng dân gian độc đáo của người Thái, góp phần thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nhất là văn hóa tâm linh của đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và người Thái nói riêng. Tuy nhiên những năm gần đây, nhiều bản làng Thái không còn lễ hội Xăng Khan nữa, nguyên nhân thì nhiều nhưng quan trọng nhất vẫn là con người và cách ứng xử của con người đối với lễ hội.