399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

Chợ tình Xuân Dương

Chợ họp không có người mua, người bán. Những người đến đây chỉ để tìm lại bóng dáng người xưa.

Mạng trải nghiệm du lịch người Việt./

Chợ họp không có người mua, người bán. Những người đến đây chỉ để tìm lại bóng dáng người xưa. Người ở xa khởi hành từ chiều hôm trước, kẻ ở gần khăn gói xuống chợ từ khi sương chưa kịp tan để kịp họp phiên chợ mà họ chờ đợi suốt một năm ròng.

Đã thành thông lệ, hàng năm cứ vào dịp cuối tháng ba âm lịch, đồng bào các dân tộc vùng cao huyện Na Rỳ tỉnh Bắc Kạn lại náo nức mong chờ một ngày hội lớn của quê hương mình-ngày hội chợ tình Xuân Dương. Phiên chợ đặc biệt chỉ diễn ra vào một ngày duy nhất trong năm: ngày 25 tháng 03 âm lịch.

Từ sáng sớm tinh sương, trên khắp mọi nẻo đường của núi rừng đã thấp thoáng bóng người tìm đến hội. Đồng bào các dân tộc từ các bản làng lặn lội tới đây không phải để mong chờ sẽ bán hay mua được thứ hàng hóa cần thiết cho mình nhưng ai cũng náo nức trong lòng. Có lẽ là bởi ai ai khi đến với chợ tình Xuân Dương đều đã hiểu được ý nghĩa sâu sắc của phiên chợ duy nhất trong năm này. Nét đặc biệt mang tính truyền thống từ xa xưa của phiên chợ tình ở Xuân Dương là chợ họp không có người mua, người bán. Những người đến đây chỉ để tìm lại bóng dáng người xưa, trao đổi tâm tình.

Truyền thống đặc biệt đó của chợ tình Xuân Dương được bắt nguồn từ một câu chuyện xa xưa của đồng bào dân tộc nơi đây. Truyện kể rằng, ngày xưa, tại vùng đất họp chợ bây giờ, có đôi vợ chồng nghèo thương yêu nhau nhất mực. Một ngày nọ, hai vợ chồng cùng làm đồng, chồng cuốc cuối ruộng, vợ phát cỏ nơi đầu ruộng. Một viên quan đi qua thấy người phụ nữ đẹp đã cho quân bắt nàng mang đi. Người vợ chống cự, kêu cứu thảm thiết nhưng do thửa ruộng quá dài, người chồng không nghe thấy. Nhiều năm sau, người vợ tìm về gặp lại chồng cũ. Lúc ấy, mỗi người đã có một gia đình riêng của mình, không thể tính đến chuyện hàn gắn, họ chỉ còn biết ôm nhau khóc. Dân làng biết chuyện ai nấy đều cảm động. Và từ đó, không ai hẹn trước nhưng cứ vào ngày 25/03 âm lịch hàng năm, những đôi trai gái lỡ duyên lại tìm đến Nà Lỳ(ruộng dài) để gặp lại nhau, ôn lại chuyện xưa. Để rồi sau ngày duy nhất trong năm ấy, họ lại mỗi người mỗi ngả, trở về với cuộc sống riêng của mình, hẹn ngày này sang năm tái ngộ. Tháng tiếp tháng, năm qua năm, nơi đây đã hình thành nên một phiên chợ đặc biệt như thế…

Năm tháng trôi qua, bên bếp lửa nhà sàn, các thế hệ đồng bào dân tộc vùng cao Na Rỳ đã tiếp truyền lại cho nhau câu chuyện tình nghĩa vợ chồng đầy cảm động. Và đó cũng là ngọn lửa âm ỉ cháy giúp lưu giữ đến muôn đời nét văn hóa truyền thống quý báu của đồng bào dân tộc vùng cao Na Rỳ.

Ngày nay, hoạt động giao thông đã thuận lợi, Chợ tình Xuân Dương không chỉ đón đồng bào dân tộc nơi đây tìm đến với hội chợ để chia sẻ tâm tình mà hội chợ còn thu hút được sự quan tâm của du khách từ khắp các địa phương trong cả nước. Họ đến đây với mong muốn tìm hiểu truyền thống của lễ hội, chứng kiến các sinh hoạt trong ngày hội mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc nơi đây.

Người đến với ngày hội chợ tình Xuân Dương sẽ được thưởng thức những món ăn đặc sắc của người vùng cao như cơm lam, thắng cố, mèn mén, thịt treo, bánh dầy ngô…, được chiêm ngưỡng nét đẹp từ các bộ trang phục của đồng bào dân tộc: Những chiếc áo chàm của người Tày, Nùng, những bộ váy áo thêu tay sặc sỡ sắc màu của người H’Mông nổi bật giữa núi rừng…Chợ còn nhộn nhịp với những sinh hoạt văn hóa đậm chất dân gian như : Múa khèn, tung còn, hát sli, hát lượn, các trò chơi đẩy gậy, kéo co…

Chợ tình Xuân Dương, ngày hội văn hóa lớn của đồng bào dân tộc vùng cao Na Rỳ, Bắc Kạn đang ngày càng được chính quyền tỉnh Bắc Kạn quan tâm. Năm 2009, chợ tình Xuân Dương đã vinh dự được UBND tỉnh, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thống nhất chọn là nơi diễn ra buổi Lễ công bố “Ngày văn hoá các dân tộc Việt Nam” nhằm tôn vinh những giá trị văn hoá truyền thống đậm đà bản sắc của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Chợ tình Xuân Dương-nét văn hóa truyền thống của nhân dân các dân tộc huyện Na Rỳ tỉnh Bắc Kạn còn làm say lòng biết bao thế hệ đồng bào nơi đây và thu hút sự viếng thăm của nhiều du khách trên khắp mọi miền đất nước mỗi lần “đến hẹn lại lên” ngày 25 tháng 03 âm lịch.