399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

Cần có cái nhìn khách quan hơn!

Trước những thông tin đa chiều liên quan đến thương vụ chuyển nhượng Metro Cash& Carry Vietnam (MCCVN) cho Tập đoàn BJC, PGS – TS. Phạm Tất Thắng- Nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công Thương- cho rằng, cần phải có cái nhìn công bằng và khách quan hơn. Ông đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.

Thương vụ chuyển nhượng MCCVN cho BJC được cho là lớn nhất trong lĩnh vực phân phối từ trước đến nay tại Việt Nam. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

Ở Việt Nam, mua bán, sáp nhập và chuyển nhượng vẫn là hoạt động mới mẻ chỉ diễn ra trong vài năm gần đây; nhưng trên thương trường quốc tế thì đây là một hoạt động bình thường trong kinh doanh. Tôi cho rằng, thương vụ Tập đoàn Metro bán MCCVN cho BJC nằm trong chiến lược kinh doanh của cả hai bên.

Vậy nền kinh tế Việt Nam nói chung và cụ thể là thị trường bán lẻ Việt Nam được gì và mất gì khi mở cửa cho những “ông lớn” như Metro?

Việc lôi kéo được những “ông lớn” vào thị trường Việt Nam là điều rất tốt. Khi đó, buộc các doanh nghiệp trong nước phải quyết liệt hơn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh để củng cố và phát triển được ngay trên sân nhà. Thực tế, trong quá trình đàm phán hội nhập kinh tế quốc tế, Nhà nước cũng tính tới các yếu tố để các doanh nghiệp trong nước có đủ thời gian và điều kiện vươn lên trước khi các thương hiệu danh tiếng của thế giới có mặt tại Việt Nam.

Đề cập đến cái “được” và “mất”, tôi cho rằng, một sự thật không thể phủ nhận đó là sự đóng góp rất lớn của các nhà phân phối nước ngoài nói chung và Metro nói riêng đối với kinh tế- xã hội và thị trường trong nước.

Thực tế, trong nhiều năm qua, với sức mạnh từ thương hiệu Metro đã tạo bệ phóng cho nhiều thương hiệu trong nước đi lên. Tính đến nay, phần lớn hàng hóa kinh doanh trong hệ thống Metro đã là hàng Việt Nam chất lượng cao. Đó là sự đóng góp không nhỏ. Dĩ nhiên, khi có mặt Metro sẽ tạo ra một sự cạnh tranh khốc liệt hơn trên thị trường nội địa.

Có khi nào chúng ta đặt ngược lại câu hỏi: Nếu không có sự đi tiên phong của Metro vào thị trường Việt Nam, thì thị trường bán lẻ Việt Nam có đủ thông tin để hấp dẫn, thu hút các nhà bán lẻ nổi tiếng sau này hay không? Trong một “cuộc chơi” có được, có mất, tôi cho rằng, chúng ta nên nhìn nhận một cách công bằng.

Theo ông, có nghi án chuyển giá, trốn thuế từ doanh nghiệp này hay không khi Metro liên tục báo lỗ?

Kể từ khi vào Việt Nam, Metro phát triển tốt và là một trong những hệ thống phân phối có uy tín. Cũng cần nhớ rằng, đối tượng mà Metro nhắm tới là phân khúc khách hàng lớn.

Đúng là, đáng tiếc trong suốt 12 năm qua chỉ có 1 năm duy nhất Metro báo lãi. Từ đây, trong dư luận đặt ra nghi vấn Metro chuyển giá, trốn thuế thu nhập doanh nghiệp.

Theo tôi, việc chưa có câu trả lời rõ ràng phần nào có lỗi của các nhà quản lý Việt Nam chứ không phải riêng Metro.

Được biết, sau khi Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đặt câu hỏi về vấn đề này, phía Metro giải thích rằng, chi phí để đầu tư một trung tâm bán sỉ rất lớn. Trong khi những năm gần đây số lượng siêu thị mở mới nhiều, doanh nghiệp phải cạnh tranh gay gắt nên phải mất trung bình 3 năm kể từ khi khai trương mới có lãi. Tuy nhiên, các trung tâm lại mở liên tiếp nhau, hoạt động chưa ổn định ngay nên công ty bị lỗ kéo dài. Tôi thấy, lý do đó cũng có phần hợp lý; song cần phải có sự vào cuộc của các nhà quản lý Việt Nam để có sự giải thích thỏa đáng cho dư luận.

Thế còn việc những doanh nghiệp FDI như Metro đang sở hữu những khu “đất vàng” có phải là một sự ưu ái quá mức của Nhà nước dành cho các nhà đầu tư nước ngoài hơn các doanh nghiệp trong nước không, thưa ông?

Ưu đãi về thuế, đất đai… là một trong những biện pháp để thu hút FDI, nhưng đối với Metro có phải là sự ưu ái quá mức hay không thì cần phải xem xét một cách toàn diện. Nói đi thì phải nói lại, cách đây 12 năm (năm 2002), nếu Nhà nước giao một mảnh đất xung quanh chỉ là đồng ruộng như vị trí hiện nay của Metro Thăng Long ở đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội) cho một doanh nghiệp Việt để họ xây dựng nên một siêu thị, tôi tin sẽ không có doanh nghiệp nào dám nhận. Nhìn rộng ra, hầu hết các địa điểm của 19 cơ sở Metro ở các tỉnh, thành phố đều không nằm trong trung tâm khi mới xây dựng và phải mất nhiều năm, cơ sở hạ tầng, dân cư xung quanh các địa điểm này mới phát triển.

Nhìn nhận một cách khách quan, chính sự có mặt của các doanh nghiệp tiên phong ở những địa điểm này là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Gần đây có nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp ngoại lớn kiểu như Metro đang “ép” các doanh nghiệp trong nước. Ông nhận định thế nào?

Theo tôi, cần phải loại trừ tư tưởng phân biệt giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp nào làm ăn bài bản, chân chính thì ủng hộ.

Nên nhớ các doanh nghiệp nước ngoài cũng là thành phần kinh tế của Việt Nam, chúng ta vẫn còn đang tiếp tục có cải thiện ở tầm chính sách và chỉ đạo thực hiện chính sách để thu hút hơn nữa đầu tư của nước ngoài.

Khi thương vụ chuyển nhượng MCCVN cho BJC diễn ra, có luồng dư luận rằng, trong khi chúng ta đang thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và đã có nhiều bài học về việc hàng nước ngoài tràn vào nước ta thì sắp tới sẽ tiếp tục phải đối mặt với hàng Thái Lan? Ý kiến của ông?

Khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường, nhưng cũng gặp không ít thách thức, không chỉ đối mặt với làn sóng hàng Thái Lan mà còn với hàng hóa đến từ nhiều nước khác. Bởi vậy, các doanh nghiệp trong nước cần làm ăn bài bản, có chiến lược dài hạn và liên kết chặt chẽ với nhau thì mới hy vọng có thể nâng cao được năng lực cạnh tranh.

“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một cuộc vận động lớn có tính chiến lược lâu dài. Tuy nhiên, chỉ khi các doanh nghiệp Việt Nam giải quyết được gốc rễ của vấn đề là có hàng hóa chất lượng phù hợp, giá cả hợp lý với từng đối tượng tiêu dùng thì hàng Việt mới có thể trở thành sự lựa chọn số 1 của người Việt.

Trân trọng cảm ơn ông!