399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

  • Sự kiện
  • Ám ảnh vụ 118 cô gái lột đồ để được chọn làm vợ

Ám ảnh vụ 118 cô gái lột đồ để được chọn làm vợ

Năm 2007, hơn 118 cô gái Việt Nam sẵn sàng lột trần quần áo trước mặt 8 người đàn ông Hàn Quốc để lựa chọn. Đây không phải là chồng chọn vợ, mà đó chính là những kẻ buôn người chọn đưa sang Hàn Quốc...

Trao đổi với PV VietNamNet - PGS.TS Lê Thị Quý - GĐ Trung tâm Trung tâm nghiên cứu giới và Phát triển, Trường ĐH KHXH&XN (ĐHQG Hà Nội) đã có những chia sẻ về việc ngày càng có nhiều cô gái tìm mọi cách lấy chồng ngoại quốc.


Theo PGS.TS Quý, thực trạng này hiện đang diễn ra rất nghiêm trọng. Vì, căn cứ vào số lượng mỗi năm có hơn 10 ngàn phụ nữ lấy chồng ra nước ngoài, đó là một con số rất cao.

Nguy cơ hơn nữa là trở thành một trào lưu hay nói cách khác là phong trào tiếp nối. Tình trạng lừa phụ nữ ra nước ngoài kết hôn để lấy tiền không phải diễn ra lẻ tẻ mà đã thành tổ chức.
- Không ít phụ nữ ở các tỉnh miền Tây Nam bộ cho rằng, việc lấy chồng ngoại quốc để đổi đời còn là một hình thức báo hiếu bậc sinh thành, quan điểm của bà về việc này thế nào?
Đây là một hiện tượng tôi cho là hết sức kỳ cục. Báo hiếu có nhiều cách chứ không phải bán mình để lấy tiền nuôi mẹ cha hay người thân. Đây là suy nghĩ hiểu lệch về báo hiếu.
- Là người thường xuyên có những chuyến đi công tác ở nước ngoài, ví dụ như ở Hàn Quốc, bà thấy gì về danh giá của người phụ nữ chúng ta khi bị lừa gạt ra nước ngoài dưới nhiều hình thức?
Tôi thấy không ổn lắm. Họ đang hạ thấp danh dự và nhân phẩm của người phụ nữ chúng ta. Một số tổ chức ở Hàn Quốc họ nói rằng: “Nếu tiếp tục gửi những phụ nữ rẻ mạt thế thì họ không nhận nữa”.
Tuy nhiên, đất nước có chính sách tốt nhất cho phụ nữ kết hôn người nước ngoài lại là Hàn Quốc.
- Có những vụ án nào trong đường dây mua bán người khiến bà ám ảnh?
Điển hình như năm 2007, hơn 118 cô gái Việt Nam sẵn sàng lột trần quần áo trước mặt 8 người đàn ông Hàn Quốc để lựa chọn. Đây không phải là chồng chọn vợ, mà đó chính là những kẻ buôn người chọn đưa sang Hàn Quốc.
Một số biển chụp tại Hàn Quốc nói về giá của phụ nữ Việt Nam bị chúng tôi phản ứng mạnh mẽ và buộc chính quyền phải gỡ.
Cụ thể, nếu như phụ nữ trẻ đẹp thì bao nhiêu ngàn won, xấu và già thì được mặc cả.
Riêng ở Trung Quốc, phụ nữ bị lừa giả vờ đi chợ, sau đó một số người ngã giá với nhau giống như một món hàng. Đây là hình thức buôn người ghê rợn.
Đây là hiện tượng trái với đạo lý, đạo đức của người Việt Nam. Con người trở thành món hàng buôn bán là vấn đề đau lòng.
- Tiếp xúc nhiều nạn nhân trong đường dây bị bán ra nước ngoài. Bà đánh giá điểm chung của các nạn nhân đó là như thế nào?
Điểm chung là lúc đầu họ không nhận ra được mình là nạn nhân hay nhận ra địa vị mình ở xã hội. Khi sang nước ngoài thì thất vọng vì không như mộng tưởng ban đầu.
- Có ý kiến cho rằng, việc kết hôn đa chủng tộc là không thể cấm. Vậy bà có thể nêu ra những giải pháp tránh rủi ro khi kết hôn có yếu tố nước ngoài?
Tôi nghĩ truyền thông giáo dục là rất quan trọng. Cần làm rõ cho người phụ nữ hiểu việc đi ra nước ngoài sẽ có những khó khăn, phức tạp, không đơn giản ra đi là sẽ đổi đời.
Một người phụ nữ cần phải ý thức được về nhân phẩm, đạo đức của bản thân.
Thêm nữa, pháp luật chúng ta cần hoàn chỉnh, chặt chẽ và trừng phạt tội danh buôn người nặng hơn. Buôn ma túy phạt nặng nhưng buôn người thì phạt nhẹ.
Buôn người không hề kém gì so với ma túy, buôn người là hại cả cuộc đời một con người và xâm phạm đến cả nhân phẩm.
Khi làm được điều đó thì sẽ giảm bớt rủi ro. Bởi vì hạnh phúc không ai ban tặng cho mình cả, mà phải tự xây dựng hạnh phúc.
Xin cảm ơn bà!